Lựa chọn ngôn ngữ: Vietnamese English


(QBVMT - 24/10/2014) - [GMT+7]

Đoàn khảo sát liên ngành Trung ương do Viện Khoa học pháp lý-Bộ Tư pháp chủ trì làm việc với đại diện hơn 50 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động về môi trường


Tiếp tục chương trình phối hợp triển khai hoạt động khảo sát về đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và đề xuất các phương án hoàn thiện thể chế của đoàn khảo sát liên ngành Trung ương do Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng - Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp chủ trì. Ngày 24/10/2014 tại Hội trường Sở Tư pháp (lầu 4) UBND tỉnh BRVT tổ chức buổi hội thảo gồm đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế tỉnh; Quỹ Bảo vệ môi trường; UBND các huyện, thành phố và hơn 50 đại diện doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.


Ông Trương Văn Quế-Phó Giám đốc Quỹ BVMT phát biểu tại Hội thảo

Vẫn các nội dung xoay quanh những vấn đề về thực trạng việc nộp thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, nước thải, khai thác khoáng sản, thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Những đánh giá mức thuế, mức phí bảo vệ môi trường cũng như trình tự, thủ tục nộp thuế, phí. Trước đó ngày 23/10/2014 Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư Pháp, Quỹ Bảo vệ môi trường để nắm rõ công tác vận dụng các quy định pháp luật của nhà nước để quản lý lĩnh vực chuyên môn được giao, thì hôm nay đại diện Viện khoa học pháp lý- Bộ Tư pháp  đã trực tiếp nghe trình bày những ý kiến, những vấn đề còn nhiều bức xúc, gây khó khăn trở ngại trong quá trình hoạt động cũng như thực hiện các quy định về nộp thuế, phí do nhà nước ban hành của hơn 10 đại diện doanh nghiệp.  

Như Công ty khai thác đá núi Thuận Lộc đã nêu một số ý kiến: Công ty cho rằng mức ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường hiện nay là phù hợp, tuy nhiên vấn đề thu gom và xử lý chất thải nguy hại quy định còn khá rườm rà như hàng năm công ty thuê công ty dịch vụ môi trường đóng tại địa bàn huyện thu gom chất thải nguy hại và xác định khối lượng, rồi liên hệ Công ty Môi trường tại thành phố Vũng Tàu  ký hợp đồng xử lý. Nên chăng giao cho Công ty dịch vụ môi trường thu gom và ký hợp đồng xử lý luôn sẽ tránh cho doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần gây mất thời gian và công sức; Ngoài ra Luật bảo vệ môi trường hiện hành quy định doanh nghiệp phải quản lý, thu gom chất thải của đơn vị, nhưng khi doanh nghiệp ký hợp đồng với công ty dịch vụ môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì doanh nghiệp không thể giám sát hoặc cử người đi theo công ty dịch vụ xử lý rác. Vấn đề này cũng cần có cơ quan chuyên môn theo dõi kiểm tra và xử lý đối với các công ty dịch vụ môi trường nếu như xảy ra vi phạm về quy định xử lý chất thải nguy hại.

Đại diện Công ty Phước Hòa Fico đã nêu một số ý kiến cho rằng tại Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Thủ tướng chính phủ hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xác định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đại diện Công ty cho rằng cách tính phí, áp dụng hệ số qui đổi hay áp dụng đơn giá không thống nhất đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại khai thác, sản xuất chuyên sâu, vì càng làm ra sản phẩm chất lượng hơn, giá bán cao hơn thì doanh nghiệp càng phải đóng thuế, phí cao hơn. 

Một ý kiến của đại diện DN khai thác khoáng sản thì hiện nay doanh nghiệp khai thác khoáng sản thường thì khai thác trong 20-30 năm, dự án do Bộ TN&MT quản lý, về sau thì quy định, thay đổi lại giao về địa phương quản lý do đó các thủ tục cần ý kiến địa phương xác nhận cũng là một điều rất khó khăn cho DN, chưa kể có những doanh nghiệp 20-30 năm sau đã giải thể, con dấu nộp lại, chủ đầu tư già, yếu hoặc mất thì việc nhận lại tiền ký quỹ như thế nào, vấn đề này hiện nay cũng chưa quy định cụ thể bằng văn bản.  

Qua buổi hội thảo với những câu hỏi từ các doanh nghiệp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường đã giải đáp một phần thắc mắc xoay quanh mức phí, các quy định về ký quỹ. Tuy nhiên có thể nói rắng hệ thống các quy định pháp luật của Nhà nước vẫn còn nhiều lỏng lẻo, chưa cụ thể hóa, các quy định còn chồng chéo áp đặt… điều đó đã gây không ít trở ngại cho hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng không ít đến sự phát triển kinh tế của địa phương.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương- Phó Viện trưởng- Viện Khoa học pháp lý– Bộ Tư pháp chủ trì buổi Hội thảo

Phát biểu sau cùng tại buổi hội thảo Tiến sĩ Lê Văn Cương đã nhấn mạnh rằng “Tại Nghị Quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Hiện nay chỉ số cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng 70/144 quốc gia và một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến chỉ số này là thủ tục hành chính nhà nước. Nhiệm vụ của chúng ta làm sao tăng chỉ số lên và làm sao để mỗi doanh nghiệp phải được bộ máy nhà nước phục vụ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi đến tận nơi, tiếp xúc và nghe những ý kiến từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và xây dựng, đề xuất những phương án sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế để công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường được áp dụng và phát huy hiệu tại các địa phương”.  



Hồng Ly

TIN KHÁC
Trang:   1  [ 2 ]  [ 3 ]  [ 4 ]  [ 5 ]  [ 6 ]  [ 7 ]  [ 8 ]  [ 9 ]  [ 10 ]    >   >>  
Remember?