Ngày nay, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động nuôi trồng trong nông nghiệp luôn mang lại nhiều lợi ích, kinh tế thiết thực cho người nông dân. Việc tăng trưởng nhanh chóng của nghành nông nghiệp gần đây đã mang lại sự mở rộng diện tích nuôi trồng trên cả nước nhưng từ đó cũng làm thay đổi nhanh chóng công nghệ, phương thức nuôi trồng truyền thống, chạy theo lợi nhuận đã làm tăng cao khả năng ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng trong nông nghiệp.
Ảnh: Vườn Bắp trồng bằng phân bón vi sinh của nông dân huyện Tân Thành
Ô nhiễm liên quan đến hoạt động nuôi trồng trong nông nghiệp thường bắt đầu từ việc phát triển ngành nghề nuôi trồng mới hiệu quả hơn, từ hoạt động chuyển đổi nuôi trồng theo mùa vụ sang quanh năm, tăng năng suất sản phẩm và càng tăng cường hoạt động nuôi trồng theo hướng tự phát thì vấn đề ô nhiễm càng tăng mạnh. Mức độ hủy hoại môi trường cả bên trong và bên ngoài khu vực nuôi trồng xuất phát từ những nguyên nhân chính sau: Mật độ nuôi trồng cao, không theo quy hoạch cụ thể; Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chế biến sẵn có chất cấm, không rõ nguồn gốc; Chất thải từ vật nuôi không được xử lý triệt để; Các mô hình bố trí dày đặc bên cạnh nhau; Sử dụng hóa chất xử lý môi trường và các loại thuốc trong nuôi trồng không đúng kỹ thuật; Sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, chất kích thích, tạo nạc bị cấm lưu hành …
Những sản phẩm dư thừa trong nông nghiệp do lâu ngày tích tụ gây ô nhiễm khu vực nuôi trồng thì vật nuôi, cây trồng buộc phải sống trong môi trường ô nhiễm. Môi trường nuôi trồng ô nhiễm không gây thiệt hại tức thời nhưng nó sẽ diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ. Môi trường khu vực nuôi trồng bị ô nhiễm về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng được thể hiện qua việc mức tăng trưởng giảm, năng suất thấp, dễ mắc bệnh do vi khuẩn, sâu rầy và có thể xảy ra dịch bệnh lâu dài trên diện rộng. Tình trạng người dân sử dụng không đúng kỹ thuật các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích không rõ nguồn gốc cùng với sự phát triển của các khu nuôi trồng không theo quy hoạch càng làm cho môi trường khu vực nuôi trồng ngày càng ô nhiễm nặng hơn.
Như vậy, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày một hoang mang với thực phẩm bẩn, sản phẩm nông nghiệp có nhiều dư lượng độc tố từ thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tồn đọng kháng sinh trong chăn nuôi thì việc sử dụng và phát triển những kỹ thuật, sản phẩm, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng các phương pháp lý, hóa và sinh học, chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, sản phẩm thân thiện môi trường, các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tồn đọng hóa chất từ nuôi trồng trong nông nghiệp là vô cùng quan trọng.
Nắm bắt được tình hình trên, sau khi Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra Quyết định số 84/QĐ-HĐQL ngày 15 tháng 7 năm 2016 ban hành quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí lựa chọn hỗ trợ tài chính đầu tư bảo vệ môi trường; các nội dung ưu tiên tài trợ, đồng tài trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2016 – 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã triển khai rà soát những hoạt động kinh doanh, sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm tái chế nhằm kịp thời hỗ trợ theo tiêu chí lựa chọn hỗ trợ tài chính đầu tư bảo vệ môi trường mới của Quỹ. Qua hơn 3 tháng triển khai rà soát, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã tiếp cận được một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất các sản phẩm sạch, tái chế, sản phẩm thân thiện môi trường và hiện đã có 02 doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý, sản xuất phân vi sinh (tái chế từ nguồn phân gà) đang hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ với tổng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng.
Thời gian tới Quỹ Bảo vệ môi trường tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ vốn của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các mô hình theo tiêu chí hỗ trợ mới của Quỹ giai đoạn 2016-2018. Với mức vốn được vay đến 70% tổng chi phí của công trình, dự án đầu tư và lãi xuất vay vốn 3,6%/năm thì nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực sự là một kênh vốn hiệu quả, là điểm tựa cho doanh nghiệp, hộ cá thể hoạt động kinh doanh sản suất các mô hình, sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường và cũng là niềm hy vọng cho việc xây dựng chất lượng, bền vững cho tương lai của nghành nông nghiệp tỉnh.