Lựa chọn ngôn ngữ: Vietnamese English


(QBVMT - 11/5/2014) - [GMT+7]

THỊ TRẤN PHƯỚC HẢI (HUYỆN ĐẤT ĐỎ): Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả


(QBVMT) - Mô hình “Thu gom rác tự thu tự chi tại nhà” được thực hiện ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, tạo mỹ quan đô thị.
Đoàn viên, thanh niên thu gom rác dọc bãi biển thị trấn Phước Hải

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Phước Hải cho biết, đặc thù địa bàn là dân đông, tập trung chủ yếu dọc tỉnh lộ 44 và ven biển. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị của người dân chưa cao nên nhiều người xả rác chưa đúng chỗ, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng đó, căn cứ vào Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2011-2015, Đảng ủy, UBND thị trấn Phước Hải đã xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của địa phương. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thị trấn Phước Hải đã tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp trong cộng đồng dân cư qua các lần sinh hoạt khu dân cư, tổ dân cư, các buổi hội thảo, tọa đàm với sự tham dự của những người có uy tín trong cộng đồng để tìm ra mô hình BVMT có hiệu quả. Cuối cùng, thị trấn đã thống nhất chọn mô hình “Thu gom rác tự thu tự chi tại nhà” và chọn khu phố Hải An làm thí điểm từ năm 2011.

Các tiêu chí vận động nhân dân bảo vệ môi trường theo mô hình như: phải tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi quy định, mỗi gia đình phải có một thùng rác; không để vật nuôi phóng uế ra đường. Bên cạnh đó, Ban điều hành khu phố còn thành lập đội thu gom rác ở từng gia đình để tập kết về một nơi để xe của Công ty công trình đô thị huyện mang đi xử lý. Hàng tháng, mỗi hộ dân đóng góp phí đổ rác là 15.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Mai, ở khu phố Hải An cho biết, khi chưa thực hiện mô hình, tình trạng xả rác bừa bãi của người dân còn phổ biến. Nhiều gia đình để gia súc, gia cầm phóng uế ra đường rất mất vệ sinh. Từ khi thực hiện mô hình, ý thức BVMT của người dân được nâng cao. Gia đình nào cũng bố trí giỏ đựng rác và xả rác đúng quy định. “Chúng tôi thấy mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nên cần nhân rộng ra toàn huyện để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống cho mọi người”, bà Mai đề nghị.

Sau thời gian thí điểm mô hình, tình trạng vệ sinh môi trường tại khu phố Hải An được cải thiện rõ rệt, thị trấn Phước Hải quyết định nhân rộng và thực hiện mô hình tại 10/10 khu phố. Chị Phạm Thị Hoài An, ở khu phố Phước Trung cho biết: “Việc BVMT có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như bảo vệ sức khỏe cho người dân. Từ khi được tuyên truyền về việc BVMT, gia đình tôi luôn chấp hành tốt các quy định để giữ gìn môi trường sống sạch đẹp”.

Thực tế cho thấy, các mô hình về BVMT của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thị trấn không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của người dân. Hiện nay, đa số người dân đã nhận thức rõ được vấn đề môi trường, nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng, sự suy thoái và biến đổi khí hậu… Vì vậy, hầu hết các hộ đều tự nguyện ký cam kết BVMT gắn với việc thực hiện quy ước xây dựng nếp sống văn hóa của địa phương, chủ động áp dụng các biện pháp BVMT và tự giác đóng góp kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Trong chăn nuôi, các hộ dân cũng tích cực chuyển đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật theo quy chuẩn để BVMT.   


(Nguồn: Báo BRVT)